Tăng tính tranh luận, phản biện
Để nâng cao chất lượng giám sát các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng yêu cầu gửi hồ sơ, tài liệu bảo đảm thành phần và đúng thời gian theo quy định để các Ban HĐND tỉnh thẩm tra. Nội dung báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh yêu cầu bám sát quy định của pháp luật, các văn bản của cấp trên, phù hợp với nghị quyết của cấp ủy và tình hình thực tiễn địa phương; thông tin đầy đủ, chi tiết kèm theo các hồ sơ liên quan như báo cáo thẩm định quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp (đối với các nội dung có tính chất quy phạm), báo cáo đánh giá tác động của nghị quyết HĐND tỉnh đến các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh; kiên quyết không đưa vào nội dung kỳ họp những báo cáo, đề án không đạt yêu cầu, không tuân thủ quy trình theo luật định.
Đồng thời, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các ban theo lĩnh vực phụ trách nắm bắt, tiếp cận sớm các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết ngay từ khi xây dựng để khảo sát, thu thập thông tin thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng thẩm tra. Tại kỳ họp, Thường trực HĐND chỉ đạo tổng hợp nhanh ý kiến phát biểu, thảo luận của đại biểu có nội dung khác với cơ quan trình và ý kiến thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh. Các nội dung chưa thống nhất được Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp, báo cáo chi tiết với HĐND tỉnh. Qua đó, đã tạo ra không khí dân chủ trong thảo luận, tăng tính tranh luận, phản biện, làm cơ sở quan trọng để chủ tọa có thêm thông tin yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn, các Ban HĐND tỉnh giải trình, hoặc định hướng các nội dung cần thống nhất và đề nghị HĐND tỉnh xem xét, quyết định chưa thông qua những nội dung còn ý kiến khác nhau.
Cùng với dành thời gian thỏa đáng cho phiên chất vấn - trả lời chất vấn và truyền hình, phát thanh trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan báo chí ngay sau phiên họp đăng tải công khai, đầy đủ nội dung chất vấn, kết luận chất vấn về những yêu cầu của HĐND tỉnh với người trả lời, các tổ chức, cá nhân liên quan khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, làm cơ sở để cử tri, Nhân dân giám sát việc thực hiện.
Đi tận cùng vấn đề, kết luận rõ trách nhiệm
Để hoạt động chất vấn thực sự thiết thực, sôi nổi, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đề xuất nội dung chất vấn, trong đó quy định rõ số lượng cần chủ động chuẩn bị. Nội dung chất vấn được Thường trực HĐND tỉnh định hướng lựa chọn những vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm gắn với tình hình thực tế phát triển của từng địa bàn để bảo đảm tính toàn diện, tổng thể.
Để phiên chất vấn và trả lời chất vấn hiệu quả, sôi động, đi tận cùng vấn đề và kết luận rõ trách nhiệm của người trả lời, các tập thể, cá nhân liên quan hay không phụ thuộc vào vai trò điều hành của Chủ tọa. Bên cạnh nghiên cứu, vận dụng những đổi mới trong chất vấn của Quốc hội như "Hỏi nhanh - Đáp gọn", "Hỏi 1 phút - Trả lời 3 phút"... Thường trực HĐND tỉnh chú trọng báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy đối với các nội dung dự kiến đưa ra, nhất là những vấn đề có tính "nhạy cảm". Thực tế tại Quảng Ninh, đã có nhiều nội dung chất vấn được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất và yêu cầu đưa ra chất vấn để bảo đảm công tác lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với những vấn đề phức tạp trong quản lý nhà nước và dư luận xã hội, cử tri, Nhân dân quan tâm, nên chất lượng, kết quả của chất vấn luôn được chú trọng, đạt hiệu quả thiết thực.
Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các Ban HĐND tỉnh làm rõ hơn trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến nội dung chất vấn (bên cạnh trách nhiệm của người đứng đầu liên quan trực tiếp) để Chủ tọa yêu cầu giải trình, báo cáo làm rõ tại kỳ họp; yêu cầu Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh báo cáo, giải trình những vấn đề liên quan ở địa phương, như vậy sẽ làm rõ hơn nữa trách nhiệm của Tổ đại biểu đối với cử tri và Nhân dân nơi ứng cử; sử dụng video clip bằng hình ảnh thay cho báo cáo tại các phiên chất vấn. Nội dung của clip không chỉ đề cập vấn đề đưa ra chất vấn mà còn đánh giá những hiệu quả sau chất vấn của các kỳ họp trước được cử tri và Nhân dân ghi nhận để nêu cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người trả lời chất vấn.
Chủ tọa kết luận cụ thể những nội dung, trong đó nêu rõ những vấn đề cần khắc phục, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và mốc thời gian giải quyết để HĐND tỉnh và cử tri, Nhân dân giám sát việc thực hiện. Đặc biệt, thống nhất ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn là cơ sở pháp lý quan trọng giúp HĐND tỉnh giám sát lại việc thực hiện.